Mầm công nghệ gieo ở Việt Nam đã nở rộ thành “bông hoa tỷ đô”: Giờ chỉ còn chờ 50.000 kỹ sư bán dẫn ra đời

Hơn 100 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chảy qua Việt Nam và người hàng xóm Đông Nam Á từ năm 2020 đến năm 2023, với hàng chục tỷ nữa sẽ còn đến.

"Gieo mầm" công nghệ ở Việt Nam và Malaysia

Những đoàn xe tải chở đầy cát và chiếc cần cẩu đỏ tươi tạo điểm nhấn cho đường chân trời của một khu phức hợp công nghiệp đang phát triển nhanh chóng ở miền bắc Việt Nam. Xa hơn về phía nam tại Malaysia, những ngôi làng yên tĩnh và các đồn điền dầu cọ đang chuyển mình thành các khu sản xuất công nghệ cao.

Theo Bloomberg, khi các công ty đa quốc gia, chính phủ và công ty khởi nghiệp chạy đua phát triển AI - quá trình thành lập trung tâm sản xuất chip, cũng như hệ quả từ căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đang "gieo mầm" cho các trung tâm công nghệ tương lai ở Đông Nam Á, biến đổi các thành thị xung quanh.

Bài viết của Bloomberg nhấn mạnh, hơn 100 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chảy qua Malaysia và Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2023, với hàng chục tỷ nữa sẽ còn đến.

Sự tăng trưởng này dẫn đến gia tăng việc làm và tăng thu nhập. Nhưng vẫn còn đó những thách thức về nguồn năng lượng và nhân lực để đáp ứng.

Mầm mống công nghệ đang gieo ở Việt Nam và 1 quốc gia ĐNÁ: Bông hoa "tỷ đô" đang chờ đón trong tương lai - Ảnh 1.

Cựu thứ trưởng thương mại và đầu tư Malaysia, Ong Kian Ming, cho biết: "Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Trump 1.0 đã thúc đẩy các công ty đa quốc gia áp dụng chiến lược Trung Quốc +1".

Các khu vực trên là trung tâm của sự biến chuyển bắt đầu từ thời dịch Covid-19 và đang thay đổi cách sản xuất điện thoại thông minh, máy tính và máy chủ trung tâm dữ liệu của thế giới.

Việc Washington kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty tìm hiểu sản xuất ở những nơi gần như Mexico và xa như Đông Nam Á, làm giàu cho các quốc gia có nguồn lao động dồi dào.

Được Ngân hàng Thế giới xếp vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình khá, với GDP bình quân đầu người cao nhất Đông Nam Á, bỏ xa Singapore và Brunei, Malaysia chiếm 13% thị phần thử nghiệm, đóng gói và lắp ráp chip trên thế giới. Hiện nay, nước này đang mở rộng năng lực sản xuất chip.

Ở bên kia Việt Nam, nơi chỉ cách Hà Nội khoảng một giờ lái xe, Bắc Ninh là tỉnh có lợi thế về nhân lực và luân chuyển thương mại dễ dàng. Với hơn 37.000 việc làm mới trong bốn năm qua (tính đến 2023), nơi này đang nhanh chóng phát triển thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao.

Foxconn và GoerTek Inc., các nhà cung ứng chính cho Apple Inc., Microsoft Corp. và Sony Group Corp. nằm trong số các công ty đã rót hơn 20 tỷ USD vào nơi đây trong thập kỷ qua, sản xuất các sản phẩm quan trọng từ AirPods đến bảng mạch in.

GoerTek đang xây dựng khu phức hợp rộng 51 ha sẽ tuyển dụng 50.000 công nhân. Quảng cáo đầy rẫy trên các trang web địa phương, tìm kiếm nhiều ứng viên từ công việc bán thời gian đến các vị trí quản lý kỹ thuật cấp cao.

Các doanh nghiệp tại Bắc Ninh đã tìm kiếm ứng viên cho 15.500 việc làm thông qua nền tảng dịch vụ việc làm địa phương trong quý đầu tiên của năm nay, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mầm mống công nghệ đang gieo ở Việt Nam và 1 quốc gia ĐNÁ: Bông hoa "tỷ đô" đang chờ đón trong tương lai - Ảnh 2.

Nhưng lực lượng lao động có trình độ vẫn là một thách thức khi nhiều công việc có thu nhập cao đang được người nước ngoài đảm nhiệm.

"Cần có lực lượng lao động mới với kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp này", ông Nguyễn Đức Cao, Phó Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết.

Theo đó, hầu hết công nhân ở Bắc Ninh đều tốt nghiệp phổ thông trung học và có đào tạo nghề nhưng chưa có nhiều kỹ sư bán dẫn.

Việt Nam đang đặt mục tiêu có 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030, với lộ trình rõ ràng cùng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích về nhà ở và dịch vụ y tế cho các giảng viên và sinh viên trong các chương trình đào tạo, nhằm đón đầu tương lai.

Chính phủ cũng đi trước các giải pháp tăng cường ổn định nguồn cung cấp điện với các dự án và chương trình lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà quy mô lớn.

Malaysia cũng đang tăng tốc

Đảo Penang nằm trên eo biển Malacca, một trong những tuyến đường vận chuyển bận rộn nhất thế giới và là kênh chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, kết nối các nền kinh tế khu vực lớn như Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Từ những năm 1970, Malaysia đã nắm bắt những tiến bộ công nghệ và thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách thu hút các công ty lớn, bao gồm Intel Corp. , nhà sản xuất thiết bị chip của California và Lam Research Corp.

Nước này đã thành lập một khu thương mại tự do tại Penang, cung cấp các ưu đãi về thuế và cung cấp lực lượng lao động nói tiếng Anh chi phí phải chăng.

Đầu tư nước ngoài vào trung tâm sản xuất thiết bị điện tử lâu đời Penang đã tăng tốc kể từ năm 2019, tăng gần gấp ba lần so với thập kỷ trước đó, đạt 44 tỷ USD.

Intel sắp hoàn thành cơ sở đầu tiên ở nước ngoài đóng gói chip 3D tiên tiến như một phần trong kế hoạch mở rộng trị giá 7 tỷ USD của mình. Khuôn viên rộng 24km2 của Lam Research sẽ trở thành cơ sở lớn nhất về năng lực và khả năng xử lý.

Mầm mống công nghệ đang gieo ở Việt Nam và 1 quốc gia ĐNÁ: Bông hoa "tỷ đô" đang chờ đón trong tương lai - Ảnh 3.

"Nơi rõ ràng nhất để thấy sự khác biệt này là ở Batu Kawan," Lee Lian Loo, giám đốc điều hành của công ty đầu tư Penang cho biết. Vùng đất liền kề, trước đây là nơi có các đồn điền cao su tươi tốt, hiện là nơi đặt trụ sở của các công ty lưu trữ dữ liệu của Mỹ là Western Digital Corp. và Micron Technology Inc.

Trước đây là nơi sản xuất các quy trình giá trị thấp cho các loại chip kém tiên tiến, quốc gia này hiện đang là nơi sản xuất các loại chip tiên tiến hơn được sử dụng trong điện thoại thông minh và máy chủ AI.

Mức sống và tiền lương đang tăng lên, ít nhất là trên lý thuyết. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của tiểu bang đã tăng 38% kể từ năm 2018.

Malaysia có nguồn điện dồi dào với mức giá thấp nhất ở Đông Nam Á và chỉ bằng 1/3 giá điện thương mại ở Singapore.

Điều này khiến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn — theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một lệnh trên chat ChatGPT có thể cần nhiều năng lượng hơn 10 lần so với tìm kiếm trên Google.

Để ứng phó với nhu cầu điện ngày càng tăng, một số nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất của quốc gia như SD Guthrie và IOI Corp. đang biến những cánh đồng trồng trọt thành các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn.

Trong khi đó, tiểu bang cực nam Johor của Malaysia đang trở thành thành phố bùng nổ tiếp theo.

Các vùng ngoại ô phía tây đang âm thầm cung cấp năng lượng cho một số mô hình trí tuệ nhân tạo tinh vi nhất thế giới. Những hàng cây cọ xanh tươi trĩu quả đỏ thẫm đã nhường chỗ cho những tòa nhà bê tông hình hộp, rộn ràng với hàng chục nghìn GPU của Nvidia Corp.

"Chúng tôi đang xây dựng xương sống cho một cuộc bùng nổ công nghệ", Lee Ting Han, thành viên hội đồng điều hành phụ trách đầu tư tại Johor kỳ vọng.

Theo Nhịp sống thị trường